Các Nhà Khoa Học Đã Tin Chúa

Câu Chuyện 01: Đào Thoát Để Đến Với Đức Tin

01 21CauChuyenTuKeNhaKhoaHoc 1210x808

 

Với Tiến sĩ Boris P. Dotsenko thực hiện một điệp vụ đào thoát khỏi Liên bang Xô-viết là để chứng minh đã có một sự xâm nhập bí mật vào mối liên hệ giữa cá nhân ông với Đức Chúa Trời. Được trưởng dưỡng trong ý thức hệ khoa học vô thần mà ông đã “hấp thụ vào tận xương tuỷ”, Tiến sĩ Boris đến với đức tin vào Đấng Tạo Hoá và Đấng Nâng Đỡ vũ trụ này nhờ ba lần bất ngờ phát giác được bộ Thánh Kinh – một lần trong một nhà kho cũ kỹ ở miền Nam Liên bang Xô-viết, một lần trong văn phòng của một vị giáo sư ở Leningrad, và một lần trong một khách sạn có chỗ đậu cho ô-tô ở Edmonton, Canada.

Tiến sĩ Dotsenko nói: “Tỉnh ngộ đối với ý thức hệ duy vật của Cộng sản chủ nghĩa là yếu tố phổ biến trong đời sống các nhà trí thức Xô-viết đang tìm kiếm Đức Chúa Trời”.

Tiến sĩ Boris P. Dotsenko nhận được cấp bằng đại học đầu tiên về Vật lý học và Toán học tại Viện Đại học Lov, trong xứ Cộng hoà Xô-viết Ukraine, năm 1949. Ông đỗ bằng Thạc sĩ Khoa học tại Viện Đại học Leningrad, và bằng Tiến sĩ tại Viện Đại học Quốc gia Moscow năm 1954 nhờ công trình nghiên cứu các khoa học Vật lý và Toán.

Sau ba năm phục vụ trong Hàn lâm viện Khoa học Liên Xô đầy uy tín về công trình nghiên cứu hoả tiễn liên lục địa và không gian, Tiến sĩ Dotsenko được chuyển đến Viện Vật lý học Kiev, nơi cuối cùng ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Thí nghiệm Hạt nhân.

Ông xin tị nạn chính trị tại Canada năm 1966 khi xuất ngoại vì công vụ. Từ đó trở đi, ông đã giảng dạy tại một số các trường Trung học và Cao đẳng, kể cả Viện đại học Lutheram Waterloo, ở Waterloo, Ontorio và Viện Đại học Ontorio.

Tiến sĩ Dotsenko là một thành viên của Hội Thánh Mennonite Anh Em.

Trong thế chiến II, tôi sinh sống tại Xi-bê-ri. Đời sống rất khó khăn. Năm mười lăm tuổi, tôi đến làm công tác xây dựng các lò nấu của xí nghiệp cây cỏ cho năng lượng. Độ ẩm của hơi nước và bụi than khiến người ta khó nhìn thấy xa hơn mười bước. Thực phẩm rất khan hiếm, và tôi thường chịu đói.

Tôi vốn thường có tính hiếu kỳ tự nhiên. Trong môi trường khó khăn quanh mình, tôi đã tự hỏi nhiều hơn bất cứ lúc nào trước đó: Tại sao chúng ta sống? Tôi đọc một số sách của Plato và Socrates, và vô cùng kinh ngạc vì tư tưởng minh bạch, hợp lý của các triết gia Hi Lạp. Nhưng tôi là một kẻ vô thần kiên quyết; tôi đã hấp thu tư tưởng chính trị và chống tôn giáo đến tận xương tuỷ.

Đến khi Thế chiến thứ II kết thúc, tôi đang ở tuổi vào Đại học. Gia đình tôi “tái di cư” đến Ukraine. Tại đó, tôi đăng ký được vào học một trường cao đẳng điện tử.

Vào một buổi chiều nóng và ẩm tháng Tám, lúc tôi đang ở tại nhà ông nội tôi, vừa bình phục sau một thời gian ngắn bị sưng phổi, tôi đi lang thang vào một nhà kho cũ và ngủ quên trên một đống cỏ khô. Lúc giật mình thức giấc, tôi khám phá ra là mình đang nằm lọt thỏm giữa đống rơm và bức vách sau bàn gỗ thô của nhà kho. Tôi cố leo lên, thì bị lọt xa hơn xuống sàn nhà ở phía trong. Tại đó, dưới chân mình, tôi thấy có một số giấy cũ.

Tôi tuột xuống thì thấy mấy tờ tạp chí rất cũ và nhiều phần của một quyển sách không có bìa. Các trang sách đã vàng vì thời gian của nó, gồm có hai ngôn ngữ. Một ngôn ngữ lạ, nhưng tôi nhận ra đó là cổ ngữ Xla-vơ. Trên các trang đối diện là bản dịch văn bản kia ra Nga văn. Tôi đọc thấy:” Sách Tin Lành của Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta”. Tôi run bắn lên. Tôi vốn biết rằng Cơ Đốc giáo đã bị bài trừ khỏi đất nước tôi. Các nhà thờ đều bị thiêu huỷ hoặc đóng cửa. Truyền giảng Cơ Đốc giáo trở thành một trọng tội, tuy tôi chẳng biết lý do tại sao. Nhưng đồng thời, tôi cảm thấy bất nhẫn. Tôi giấu quyển sách bên dưới áo sơ-mi và quay trở về phòng mình.

Tại đó, tôi đọc nhiều thêm. Lời trong Giăng 1:1 “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” – đánh mạnh ngang vào tâm trí tôi! Đây là một câu thật rõ ràng về những gì đã xảy ra ngay từ lúc ban đầu, ẩn bên dưới mọi sự. Nhưng nó lại hoàn toàn trái ngược với mọi điều tôi đã được dạy bảo! Về phương diện tâm lý mà nói thì đọc thấy như thế đã gây ra một từng trải chấn động vô cùng mạnh mẽ trong tôi.

Rồi cứ càng đọc, tôi càng cảm thấy khó chịu và gần như là lố bịch. Nó khác hẳn với tất cả những gì tôi đã được dạy bảo. Tôi vẫn nghĩ rằng chính Starlin là người đã nói trước nhất câu: “Ai không ở với ta, thì nghịch cùng ta”. Nhưng giờ đây, tôi lại khám phá ra rằng Chúa Giê-xu Christ mới là người đã nói như thế (xem Mathiơ 12:30).

Điều răn Lớn của Chúa Giê-xu đặc biệt khiến tôi run sợ. Làm thế nào để tôi có thể yêu mến Đức Chúa Trời và người lân cận tôi như bản thân nếu Đức Chúa Trời không hiện hữu? Tôi từng được bảo cho biết rằng bất kỳ kẻ thù nào không chịu đầu hàng đều phải bị tiêu diệt. Tôi từng được dạy cho biết là tôi có trách nhiệm phải phản bội chẳng những người láng giềng của tôi mà cả gia đình của tôi nữa nếu cần. Cho nên tôi đã chống lại những gì tôi đã đọc, nhưng những lời ấy đã ăn sâu vào trong lòng tôi.

Rồi lạ lùng thay, sau hai tuần lễ, bộ Kinh Thánh đã biến mất khỏi căn phòng của tôi. Mãi cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa biết việc ấy đã xảy ra như thế nào hoặc tại sao. Nhưng những gì tôi đọc đã để lại dấu vết của nó trên tôi. Tôi vẫn luôn nhớ lại các hàm ý của nó trong khi nghiên cứu Vật lý học và Toán học tại Viện Đại học Kiev.

Có một trong những định luật cơ bản của cõi thiên nhiên vẫn khiến tôi quan tâm là Luật về Nhiệt động học (Law of Entropy) liên quan đến trạng thái xác suất của các thành phần nhỏ (phân tử, nguyên tử, điện tử và v.v...) của bất kỳ một hệ thống vật lý nào. Nói thật đơn giản, thì định luật này khẳng định rằng nếu cứ bỏ mặc cho nó, thì chẳng hề có hệ thống vật lý nào sẽ tự huỷ với thời gian; vật chất có xu hướng cứ ngày càng thoát ra khỏi phần tổ chức của nó. (Một trong những hàm ý của định luật này là toàn thể cái thế giới vật chất này có thể đã biến thành một đám mây bụi hỗn độn từ rất lâu, rất lâu lắm rồi!).

Khi tôi suy nghĩ về mọi điều đó, tôi thình lình thấy loé lên trong tôi cái “ý nghĩ rằng chắc đã phải có một lực lượng tổ chức đầy quyền năng nào đó đang phản ứng lại với cái xu hướng huỷ hoại dần dần tổ chức bên trong cõi thiên nhiên, giữ cho cõi thiên nhiên cứ được kiểm soát và có trật tự. Cái lực lượng ấy phải là phi vật chất; nếu không thì tự nó cũng sẽ trở thành rối loạn mất trật tự. Tôi kết luận rằng cái năng lực ấy phải vừa toàn năng, vừa toàn tri: phải có một Đức Chúa Trời – một Thượng Đế – cầm quyền cai trị kiểm soát mọi sự mọi việc! Tôi cũng nhận thức được rằng cả đến nhà khoa học xuất sắc nhất được trang bị những phòng thí nghiệm tốt nhất, vẫn chưa có thể bắt chước để tạo ra được thậm chí là một tế bào sống đơn giản nhất mà thôi: Đức Chúa Trời phải là Đấng Tạo Hoá của sự sống trên địa cầu này!”

Tôi đã học tập nghiên cứu giỏi ở Kiev và được cơ hội học cao thêm tại Viện Đại học Leningrad.

Lúc tôi đang nghiên cứu để lấy bằng Thạc sĩ tại Leningrad, tôi phát giác ra một quyển Thánh Kinh khác nữa tại một nơi rất khó thể ngờ được: trong văn phòng của cố Tiến sĩ Jacob Frenkel, một khoa học gia người Nga lừng danh thế giới. Tôi từng phân vân trong vấn đề quyết định chẳng hay Đức Chúa Trời muốn tôi phải dành quyền ưu tiên cho việc gì trong cuộc đời một nhà khoa học. Điều gây ấn tượng hết sức mạnh mẽ trong tôi, là con người thật xuất sắc này, vốn am hiểu tường tận các định luật thiên nhiên, lại công khai giữ một bộ sách của Đức Chúa Trời trong thư phòng của mình.

Tôi đã bắt đầu tìm đến với Đức Chúa Trời bằng lời cầu nguyện.

Năm 1955, Tôi là một trong ba sinh viên giỏi nhất được tốt nghiệp tại Leningrad, và tôi được gởi đến Viện Đại học Quốc gia Moscow. Tại đó, tôi nhận bằng Tiến sĩ về Vật lý học và Toán học năm 1954, và được giao công tác trong Hàn Lâm viện Khoa học Liên bang Xô-viết. Lãnh vực sưu tầm nghiên cứu của tôi là hoả tiễn liên lục địa và không gian. Ý thức hệ cá nhân của tôi cứ tiếp tục nghiên về phía Cơ Đốc giáo.

Trong những năm tiếp theo đó, tôi trở thành một nhà khoa học được nể trọng, công tác trong ngành hạt nhân của Viện Vật lý học Kiev. Nhưng tôi mất đức tin vào người khác – và thậm chí vào cả bản thân nữa – khi tôi khám phá được rằng cả cha tôi lẫn vợ tôi đều đang thường xuyên báo cáo với KGB (cơ quan mật vụ Liên Xô) về các hành động và tín ngưỡng của tôi.

Vào khoảng mùa thu 1964, sự căng thẳng đã đến mức khó có thể chịu nổi nữa. Tôi đã cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa Trời, xin giết con đi, bằng không, xin hãy đưa con ra khỏi đây!” Tôi đã dùng một loại thuốc ngủ quá liều. Khi tỉnh lại trong bệnh viện, tôi còn nhớ là mình cũng đã nói: “Lạy Chúa xin ý Ngài được nên”.

Tôi đã không chết. Chính điều đó đã là một giải đáp cho lời cầu nguyện của tôi. Tôi quyết định chờ đợi để xem Đức Chúa Trời đang dành điều gì cho tôi.

Năm 1966, tôi được bổ nhiệm Trưởng phòng thí nghiệm của tôi – tự nó vốn là một vinh dự lớn. Rồi một ngày nọ, tôi được gọi đi Moscow, đến Uỷ ban Trung ương Đảng của Liên bang Xô-viết. Tôi được bảo cho biết là tôi sẽ được phái đến Canada, sau đó là đến Vienna với cương vị một thành viên cao cấp của Uỷ ban Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Từ đó, tôi được trông mong sẽ gởi về các thông tin liên quan đến các thành tựu của các nhà nghiên cứu về hạt nhân từ khắp nơi trên thế giới.

Một trong các nhân vật hàng đầu, Đồng chí Baskakov đã chỉ một ngón tay vào câu trích dẫn từ một nguồn thông tin cao cấp nhất, và nói với tôi: “Doris Borisovich này, chúng tôi sẽ có thể ban thưởng rất hậu cho công tác phục vụ của anh – đến giải Nobel về Vật lý học đất!”

Hai ngày sau, tôi đã đến Canada, tại Viện Đại học Alberta. Lúc tôi mở hành lý ra trong căn phòng tại khách sạn Edmonton có chỗ đậu cho ô-tô, tôi thấy một quyển Thánh Kinh thứ ba – bộ sách này vốn đã được tổ chức Ghi-đê-ôn, một nhóm doanh nhân Cơ Đốc nhân tặng không Thánh Kinh cho các khách sạn và các tổ chức công cộng khác tại nhiều quốc gia trên thế giới cho các khách hàng – đã đặt sẵn ở đấy.

Tay tôi run run khi nâng quyển Thánh Kinh lên. Nó mở ra ở Giăng 1:1 và tôi được nhắc lại về câu đã đánh rất mạnh vào tôi đó hai mươi hai năm về trước, trong căn nhà kho ở Ukraine: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời”. Từ đó trở về sau, tôi dành từng khoảnh khắc rỗi rảnh để hấp thu Lời Đức Chúa Trời. Giờ đây, tôi có tin nhận những gì mình đọc không? Tôi đã ăn nuốt tất cả!

Tôi đã trở thành một Cơ Đốc nhân, và được một vị mục sư ở Edmonton, Canada làm phép báp-tem cho chẳng bao lâu sau đó.

Tôi nhanh chóng nhận thức được rằng mối liên hệ giữa tôi với Chúa Cứu Thế Giê-xu quan trọng cho tôi hơn cả sự nghiệp của tôi, hoặc thậm chí còn hơn cả quê hương và gia đình yêu dấu của tôi nữa. Cho nên tôi đã ở lại Canada và bắt đầu dạy Vật lý học trong nhiều trường học và Đại học đường.

Ngày nay, tôi biết rằng Thánh Kinh là quyển sách vĩ đại nhất của đạo, trong đó các hành động của Đức Chúa Trời đã được ghi chép lại cho các tín hữu. Phần kiểm chứng cuối cùng cho nó sẽ cùng đến với sự tái lâm của Chúa chúng ta để thiết lập Nước Ngài.

Tôi tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá vũ trụ này, nhưng Ngài không bị lệ thuộc vào đó. Ngài vốn độc lập! Ngài gìn giữ và cai trị cả vũ trụ cũng như từng thành phần của nó để giúp bảo trì nó. Ngài là Đấng duy trì trật tự cho nó. Thật khó cho chúng ta quan niệm được đầy đủ mối liên hệ giữa Ngài và thế giới này, vì Ngài vốn không thuộc về cái “thực tại” này – là cái trật tự duy nhất của chúng ta quen biết.

Một so sánh đơn giản có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn việc đó một chút. Hãy khảo sát một điện trường với nhiều mảnh sắt vụn vứt rải rác trong đó. Các chuyển động của các mảnh sắt vụn đều bị điện trường ấy kiểm soát, nhưng chính điện trường ấy thì không trở thành một phần của hệ thống các mảnh sắt vụn kia. Mỗi bên đều giữ “cá tính” riêng của mình. Cũng thế, loài người bị các điều kiện do Đức Chúa Trời sắp xếp bao vây, nhưng họ vẫn ăn ở cư xử theo bản tính riêng đến một chừng mực nào đó.

Nhưng chẳng hề có cách so sánh nào nói lên hết được những gì Đức Chúa Trời đang cung cấp cho loài người để họ được hưởng sự hợp nhất thuộc linh với Ngài. Diễn ý của Francis Bacon, ta có thể nói rằng kiến thức nông cạn và vị kỷ (egocentic: lấy cái ta làm trung tâm) dẫn đến vô thần chủ nghĩa, trong khi việc học hỏi nghiên cứu đích thực, sâu nhiệm và khách quan dẫn đến đức tin vào Đức Chúa Trời. Tôi tạ ơn Ngài vì đã khiến tôi quan tâm đến ba lần, tại những địa điểm khác nhau và qua rất nhiều năm, tới bộ sách dành cho thế gian của Ngài, là bộ Thánh Kinh. Và tôi cũng tạ ơn Ngài vì đã ban cho tôi đức tin để nhận biết chính Ngài và từng trải được tình yêu của Ngài. Là một giáo sư, tôi muốn đào tạo các sinh viên của tôi về khoa học. Nhưng còn quan trọng hơn thế nữa, tôi muốn giúp họ trở thành những con người nhận thức được các trách nhiệm chủ yếu của mình: đối với xã hội, đối với thế giới quanh mình, và - trên hết tất cả - là đối với chính Đức Chúa Trời.

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 130 Quốc Gia

We have 10785 guests and no members online

Your Language