Để Cảm Thông Nhau - Paul Tourner

11.Bản Thân Phải Đầu Phục Chúa Giê-xu

11.Sự Cảm Thông Hoàn Toàn Đòi Hỏi Bản Thân Phải Đầu Phục Chúa Giê-Xu

Paul Tourner - Để Cảm Thông Nhau

Phải, niềm vui của hai vợ chồng được hoàn toàn nếu họ có thể thấy ý nghĩa thuộc linh và chân thật trong kinh nghiệm của họ. Đến đây tôi muốn biết kết thúc câu chuyện về người bạn đồng nghiệp người Mỹ của tôi. Ông đã kể với tôi việc đi xem hát buổi tối thứ sáu vì có nhiều việc quan trọng hơn đã xảy ra trong đời sống của ông sau đó. Ông đã gặp Chúa Giê-xu và ông đã nhận Đấng Christ làm chủ đời sống ông. Ngay sau đó ông bắt đầu biết lắng nghe vợ ông với tinh thần hoàn toàn khác hẳn. Mọi kinh nghiệm sống thật của Cơ-đốc nhân đều là như vậy. Đức Chúa Trời hết sức quan tâm đến đời sống con người. Vì vậy, nhận Đức Chúa Trời cũng là nhận sự quan tâm lớn lao của Ngài đối với những người chúng ta thường bắt tay, vỗ vai họ mà không thật sự nhìn thấy hoặc hiểu họ.

decamthongnhau11

 Chúng ta không thể mở cửa lòng chúng ta cho Đức Chúa Trời mà không mở cửa lòng chúng ta cho anh em mình. Ngược lại cũng vậy bởi vì Đức Chúa Trời luôn luôn tìm kiếm con người, để giải phóng họ khỏi sự cô đơn, và bối rối. Bất cứ ai thành thật xích lại gần với người lân cận mình đều trở thành một công vụ của tình yêu Thiên Chúa. Người bạn bác sĩ của tôi biết rõ ràng chính Đức Chúa Trời đã mở mắt ông và đặt vào lòng sự đam mê mới mẻ để cảm thông vợ ông. Giờ đây vấn đề không còn là nhu cầu này, nhu cầu nọ của vợ ông mà ông cần nhận biết. Nhưng chính là con người của vợ ông mà ông bắt đầu thông cảm. Lời khuyên của vị bác sĩ tâm lý bạn của ông là phải đưa vợ ông đi chơi ít nhất mỗi tuần một lần, là một lời khuyên tốt được ông nghe theo. Tuy nhiên nó vẫn chỉ là một lời khuyên. Vị bác sĩ giải phẫu đã làm đúng theo sự chỉ dẫn. Tuy nhiên, trên căn bản thái độ của ông đối với vợ vẫn không có chút gì thay đổi. Điều cần thiết là một sự soi sáng bên trong và sự soi sáng như vậy không bao giờ đơn giản là một vấn đề thuộc tri thức. Nó là một kinh nghiệm tâm linh.

Một ngày nọ vị bác sĩ giải phẫu của chúng ta bắt đầu cảm biết trách nhiệm lớn lao của ông đối với sự khủng hoảng tinh thần của vợ ông ở nhà. Ông biết rằng chỉ đưa vợ đi đến bác sĩ tâm lý để chạy chữa sẽ không làm cho ông hết trách nhiệm. Trong khi ông đã đang dấn thân trong đời sống thích thú ở bệnh viện, giải phẫu cứu sống người ta, khảo cứu viết bài cho những tạp chí y học... thì ở nhà, vợ ông đang chết dần vì đói khát tình cảm của ông và ông đã đui mù không nhìn thấy điều đó. Nhà chuyên môn về tâm lý nhìn thấy điều đó và đã đưa cho ông một lời khuyên khôn ngoan. Tâm lý học vì thế có thể khám phá ra những vấn đề và đề nghị được những biện pháp khôn ngoan. Tuy nhiên, giải pháp cho những nan đề này đòi hỏi một sự thay đổi sâu xa, một sự thay đổi về bản chất tâm linh. Sự thay đổi tâm linh này Kinh Thánh gọi là “biến cải” hay “ăn năn”. Đó là sự biến cải tâm linh tự xét lấy mình tự hổ thẹn và chấp nhận những bổn phận mình đã làm ngơ.

Thấy rõ những tỉ số khủng hoảng trong hôn nhân người ta đã gia tăng những khóa học Dự Bị Hôn Nhân và phát triển sâu rộng lãnh vực cố vấn hôn nhân. Tất cả những nỗ lực này đều vì lợi ích. Tuy nhiên, rõ ràng là các khoa học và những lời cố vấn đối với thực trạng đổ vỡ phổ biến trong hôn nhân vẫn không thấm vào đâu. Chúng ta cần cái gì sâu xa hơn những lời khuyên, chúng ta cần một ảnh hưởng đạo đức mới, một ảnh hưởng có tiềm năng mang lại sự thay đổi những thái độ ăn sâu trong người. Chúng ta cần hít vào một luồng không khí tươi mát, luồng không khí của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Không thể có năng lực nào trên thế giới chạm đến con người một cách sâu xa trong lòng người khiến họ cảm thông người khác như vậy. Ông nhìn thấy những trách nhiệm của mình. Ông nhận biết rằng những trách nhiệm của mình. Ông nhận biết rằng ông đang làm tổn thương con người ông không cảm thông. Ông ý thức được rằng thất bại trong sự cảm thông cũng như không muốn tìm sự cảm thông là nguyên nhân khiến rút lui vào qui hướng về mình cách đui mù và ích kỷ.

Một người chồng thường nói ra những lầm lỗi của vợ mình và than thân trách phận vì đã lỡ lấy nàng làm vợ. Người đó giờ đây ý thức được trách nhiệm của mình đối với những lỗi lầm đó. Bởi vì anh đã không có thể tạo cho nàng bầu không khí vợ chồng trong nàng có thể lớn lên, tiến bộ, đạt được sự thỏa mãn, và thắng được những vấn đề của bản thân nàng nhờ sự giúp đỡ của chồng. Vì nàng không cảm thấy được cảm thông nên nàng bị đè nén đến nỗi nàng đã làm cứng rắn những phản ứng tự vệ tự nhiên của nàng. Nàng có thể tìm được sự cảm thông nơi vị bác sĩ tâm lý. Tuy nhiên, khi nàng tìm thấy sự cảm thông nơi chồng nàng thì nó trở thành ích lợi hơn nhiều. Kinh nghiệm của hai vợ chồng người Mỹ này là như thế: Một đức tin sinh động - đã biến đổi đời sống của họ. Vị bác sĩ nói với tôi “Anh có biết là chúng tôi không còn đi xem phim mỗi tối thứ sáu nữa không? Chúng tôi không còn thấy cần cái đó nữa, nhưng chúng tôi có nhiều thì giờ hơn cho những điều thật sự cần thiết nhằm để cởi mở lẫn nhau để nói ra những điều chúng tôi không bao giờ mơ ước chia xẻ cho nhau trước đây, để khám phá và hiểu nhau và cùng nhau tìm cầu sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời trên gia đình chúng tôi.”

Bạn biết rõ bài cầu nguyện rất hay của Franscis ở Assisi “Lạy Chúa, xin cho con có thể tìm hiểu người hơn được người hiểu mình, tìm cảm thông người hơn được người cảm thông...”. Chính niềm khao khát mới mẻ này mà Thánh Linh thức tỉnh những vặp vợ chồng và biến đổi cuộc hôn nhân của họ. Bao lâu người đàn ông còn khư khư nghĩ rằng trước hết mình phải được vợ mình hiểu mình thì bấy lâu anh ta còn ở trong tình trạng đáng thương, còn quá xót thương cho mình, còn có tinh thần đòi hỏi và rút lui cay đắng. Khi nào anh trở nên quan tâm đến sự cảm thông vợ anh, tìm hiểu những điều anh không hiểu trước đây, quan tâm đến lỗi lầm của mình, lỗi không hiểu, không cảm thông vợ mình thì lúc ấy chiều hướng bắt đầu thay đổi. Bạn thấy trong phim hình ảnh những bánh xe hơi dường như chạy thụt lùi vì sự điều chỉnh khung phim chưa đúng, mắt ta không thấy được. Cũng vậy, giống như những bánh xe này một chuỗi biến cố lái con người đến chỗ hiểu lầm nhau, khiến anh rút lui vào thế giới của mình, và như vậy anh càng ít được cảm thông hơn. Cái vòng lẩn quẩn này có thể bị đảo lộn khi nó được nhìn thấy trong một ánh sáng mới.

Khi một người cảm thấy được cảm thông, anh bèn cởi mở và vì anh không còn bảo vệ mình nữa nên anh cũng có thể làm cho mình được cảm thông hơn. Tất cả những điều này dường như rất đơn giản khi chúng ta dừng lại để nghĩ về nó. Vậy tại sao thái độ như thế lại hiếm hoi? Lý do là cần phải có một tia lửa mồi là cái làm chuyển động mọi thay đổi bên trong. Tuy nhiên, tia lửa này không thể phát sinh từ bất cứ toa thuốc nhân tạo nào. Chúng ta có thể giúp đỡ một người nào đó trong một thời gian dài bằng sự chăm sóc, bằng sự khôn ngoan, bằng tình cảm, nhưng tia lửa không bao giờ được phát sinh. Chúng ta có thể hữu ích đối với một người, mang đến cho anh sự hiểu biết về bản thân của anh qua những cuộc trắc nghiệm khác nhau, qua những sự phân tích các giấc mơ, và cống hiến cho anh những lời khuyên bổ ích. Chúng ta có thể đạt được một ít tiến bộ thật sự. Nhưng chúng ta sẽ không thấy sự thay đổi quyết định nào ở bên trong khiến chúng có thể làm thay đổi thái độ căn bản của anh trong đời sống. Điều này trở thành một công việc nhọc nhằn đối với anh, một loại trường học nơi anh phải theo từng bước mà không hề biết mình sẽ tốt nghiệp hay không. Anh có thể hiểu và học được nhiều điều, nhưng anh không thể tìm được chìa khóa của chính sự hiểu biết. Để tìm được chìa khóa của sự cảm thông bí quyết của sự sống, chúng ta phải biết rằng nó là một kinh nghiệm nội tâm, một khám phá, một sự qui đạo chứ không phải chỉ là việc đạt được một kiến thức mới. Nó có thể xảy ra ở thời điểm ta cảm thấy nản lòng nhất. Nó thường xảy ra bằng một cách ta không thể tưởng tượng được. Có thể ta đã đọc nhiều sách, nghe nhiều bài giảng, thu thập nhiều kiến thức. Nhưng đột nhiên một biến động hầu như vô nghĩa lại thức tỉnh ta một lời nói, một sự gặp gỡ, một cái chết, một sự bình phục, một cái nhìn hay một biến cố tự nhiên nào đó. Đức Chúa Trời dùng những cái như vậy để chạm đến tâm can con người. Ngay đến vị bác sĩ tâm lý đóng góp vào kinh nghiệm này cũng không biết ông không nhận thức được điều gì đang xảy ra. Ông không làm việc đó và không có ý làm việc đó. Sự đóng góp của ông nặng về cảm thông yêu thương đối với bệnh nhân hơn là sử dụng khả năng khéo léo của ông.

Chính tương quan cá nhân kỳ diệu đó đã gắn họ lại với nhau. Đó là một kinh nghiệm thuộc linh. Phải, mọi biến cố tốt đẹp đều là của Đức Chúa Trời, một tặng phẩm của Đức Chúa Trời. Mọi sự giải phóng khỏi cô đơn, sợ hãi, khổ đau, dày vò, là kết quả của lòng nhân từ yêu thương của Đức Chúa Trời, dù cho người bệnh lẫn người chữa đều không nhìn nhận, và dành hết điểm về cho mình. Phước thay cho những vợ chồng nhận thức và hiểu rằng hạnh phúc của họ là một quà tặng của Đức Chúa Trời. Phước thay cho họ là những người có thể quỳ gối với nhau cảm tạ Đức Chúa Trời không những chỉ về tình yêu Ngài đã đặt trong lòng họ, về con cái Ngài ban cho họ, về mọi niềm vui của đời sống mà cả về sự tiến bộ trong hôn nhân mà Ngài đã cho họ kinh nghiệm qua trường học cảm thông đầy cam go.

Tuy nhiên chính trong lãnh vực tôn giáo người ta sợ nhất là bày tỏ cảm giác thật của mình! Ngay cả với cuộc hôn nhân rất hạnh phúc! Điều này làm tôi rất ngạc nhiên. Đây là trường hợp một cặp vợ chồng làm đám cưới tại nhà thờ. Họ có chung một lý tưởng Cơ-đốc và cả hai đều là tín đồ tin kính. Cả hai vợ chồng đều đi nhà thờ, dự Tiệc thánh. Tôi hỏi họ “Anh chị có cầu nguyện chung với nhau không. Anh chị có chia xẻ những giây phút trầm tư, tĩnh nguyện với nhau không? - Họ trả lời “không”. Đứng bên giường đứa con đang đau người vợ hay người chồng có thể nghĩ trong lòng “Chúng ta nên hiệp chung cầu nguyện”, thế nhưng không người nào có can đảm nói lên đề nghị đó. Một hay cả hai người có thể nói với tôi “Tôi không thể cầu nguyện lớn tiếng khi có mặt nhà tôi”. Có thể họ cũng không biết cách cầu nguyện chung trong yên lặng. Dĩ nhiên bạn có thể thảo luận những vấn đề triết lý và tôn giáo, thần học và Kinh Thánh, nhưng chia xẻ niềm tin sâu xa của họ, những kinh nghiệm riêng tư, những sự nghi ngờ, những cảm xúc riêng tư, mối tương quan riêng của họ đối với Đức Chúa Trời lại hoàn toàn là một vấn đề khác. Những điều này chính là sợi dây bền chặt nhất ràng buộc vợ chồng lại với nhau, lại rất ít xảy ra. Đôi khi có những sự hiểu lầm bất thường giữa vợ chồng trong lãnh vực này. Một người đàn bà rất tin kính rất nhiệt thành trong kinh nghiệm tin Chúa, không còn tỏ ra quan tâm đến việc gì ngoài những vấn đề tôn giáo, không thích thú đều gì trừ ra nói chuyện về tôn giáo. Bà chỉ đọc sách đạo và đi nhóm họp ở nhà thờ. Nói về chồng bà, bà cho tôi biết sự lo lắng của bà là ao ước làm sao chồng bà có thể tin Chúa. Bà nói với tôi “Ông nghĩ xem tôi không biết anh ấy có đức tin hay không! Tôi bảo anh đi nhà thờ với tôi hay trả lời những câu hỏi của tôi cũng đều chẳng được. Tôi không thể làm được cái gì cả. Anh ấy hoàn toàn dửng dưng”. Một ngày nọ chồng bà đến gặp tôi, rất tự nhiên, không cần tôi phải khuyến khích, ông bắt đầu nói ra những vấn nạn tôn giáo đã làm ông băn khoăn lo nghĩ. Trao đổi với ông về vấn đề này thật thú vị, thú vị hơn rất nhiều so với vợ ông. Bà chấp nhận cách đơn giản toàn thể một hệ thống giáo lý. Trái lại, ông suy nghĩ rất nhiều. Tôi cảm thấy ông ta là một người tin kính rất sâu sắc. Ông có một nhận thức về những việc mầu nhiệm. Về giới hạn của kiến thức con người khiến họ không bao giờ có thể hiểu thấu sự vĩ đại của Đức Chúa Trời. Nhất là ông nói với tôi là ông hết sức thán phục đức tin của vợ ông. Ông thán phục và đôi khi ganh tị với bà vì bà dạn dĩ tuyên xưng đức tin của mình cũng như giải quyết những vấn nạn rất phức tạp đối với ông. Vậy tại sao ông tránh thảo luận với vợ ông về tín ngưỡng? Có thể vì sự bất đồng về tính khí hoặc ông sợ vợ ông sẽ tưởng lầm là ông vô tín khi thấy ông dè dặt đối với những vấn đề bạn xác quyết.

Thật ra có nhiều người rất Tin Chúa mà vẫn sống cách xa và che đậy, và bị mục sư của họ vợ con của họ kể họ là nguội lạnh. Cũng có những cặp vợ chồng có thể cầu nguyện chung với nhau nhưng họ không thật lòng bày tỏ cho nhau những ý nghĩ của mình về những vần đề đức tin. Vì vậy cần phải mang đức tin và đời sống lại với nhau. Nếu muốn đức tin tạo nên sự thay đổi và nếu muốn đời sống được biến cải. Mang đức tin và đời sống vợ chồng lại với nhau là cần thiết vì đức tin mang lại quyền năng biến đổi vô song và mang lại sự cảm thông nhờ đó đời sống vợ chồng có thể được sự sung mãn trọn vẹn.

Làm thế nào để đem hai người lại với nhau?

Điều đó ít tùy thuộc vào điều chúng ta làm nhưng tùy thuộc vào nhiều hơn vào con người chúng ta. Nó là một vấn đề thuộc về thái độ hơn là phương pháp. Dù ở tình trạng nào, ở mức độ nào chúng ta cũng có thể cầu xin Đức Chúa Trời dẫn dắt, xin Ngài chỉ đường, xin Ngài mang lại sự hiệp một toàn diện mà theo chương trình của Ngài phải là kinh nghiệm của hôn nhân. Dù kinh nghiệm quá khứ của chúng ta là thế nào chăng nữa nhưng đám mây mù vẫn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Ngay khi những cảm giác rất bén nhạy của chúng ta cảm thấy bị tổn thương thì phản ứng do bản năng trước nhất vẫn là rút lui và che giấu con người thật của chúng ta. Tuy nhiên, trong những giây phút yên lặng của chúng ta trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, những giây phút yên lặng đầy sự thật, tình yêu thương và kính trọng nhau. Một sự xúc động tâm linh có thể giúp chúng ta chiến thắng sự dè giữ bảo vệ có thể trở lại làm hại sự hiệp nhất của hôn nhân. Bởi vì trong những giây phút như vậy chúng ta bước vào một kinh nghiệm sâu xa hơn cái kinh nghiệm về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, chúng ta bước vào kinh nghiệm về chính Đức Chúa Trời qua đời sống của mỗi chúng ta.

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 130 Quốc Gia

We have 3474 guests and no members online

Your Language