Huấn Luyện Người Lãnh Đạo Hội Thánh

012. A2Chương 9 Nhận Lãnh Ba Sự Xức Dầu

Chương 9- A2.9 Nhận Lãnh Ba Sự Xức Dầu

A1 - LÀM THẾ NÀO ĐỂ HUẤN LUYỆNDẫn nhập

Đức Chúa Trời muốn bạn trở thành một người lãnh đạo mang lại nhiều kết quả và có ảnh hưởng trên thế giới nầy. Nhưng làm thế nào bạn có thể trở thành một người lãnh đạo như vậy? Những chương trước tập trung vào nhiều lãnh vực thực tế mà những người lãnh đạo phải dùng những tiêu chuẩn trong Kinh Thánh để làm khuôn mẫu cho đời sống của họ. Đó là những bước khởi đầu. Chúng ta phải biết quản lý tiền bạc như thế nào, phải bước đi trong sự khiêm nhường, phải tránh xa tội dâm dục. Nhưng có thể chúng ta vẫn không trở thành một người lãnh đạo có kết quả trong chức vụ.

Học vấn, những kỹ năng đặc biệt hoặc những khả năng của bạn cũng không thể đem lại cho chức vụ của bạn sức mạnh để thay đổi đời sống của con người. Vậy thì điều gì, chỉ có sự xức dầu đầy dẫy của Đức Thánh Linh mới mang lại sự hiệu quả thiêng thượng mà bạn cần có để hoàn thành chức vụ mà thôi. Đức Chúa Trời lập chúng ta “nên nước Ngài (vua), nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời” (Khải Huyền 1:6). Ngài muốn chúng ta có quyền lực của một vị vua và sự thánh khiết của một thầy tế lễ. Chúng ta phải kinh nghiệm được sự xức dầu của Ngài để đạt được những điều này.

Trong chương này, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy thế nào “sự xức dầu” mang đến sự giải phóng, năng lực và sự cứu rỗi cho người của Đức Chúa Trời. Chữ Christ trong tiếng Hylạp (cũng như chữ Mêsia trong tiếng Hêbêrơ) có nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Chúa Jêsus giới thiệu chức vụ của Ngài bằng cách tuyên bố: “thần của Chúa ngự trên ta vì Ngài đã xức dầu cho ta, đặng truyền Tin Lành... rao cho những kẻ cầm được tha... kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do...” (Luca 4:18). Chúa Jêsus phán thật rõ ràng rằng chính Thánh Linh của Chúa đã xức dầu cho Ngài để thi hành một chức vụ đầy kết quả. Bạn và tôi cũng phải chịu cùng một nguyên tắc như vậy.

Sự xức dầu là gì? Kinh Thánh nói gì về sự xức dầu? Những ngưởi lãnh đạo trong các thế hệ trước đã nhận lãnh sự xức dầu như thế nào?

A. BA SỰ XỨC DẦU

Chúng ta sẽ học về ba sự xức dầu khác nhau trong Cựu ước: 

• Sự xức dầu của KẺ PHUNG • Sự xức dầu của THẦY TẾ LỄ • Sự xức dầu của VUA

1. Sự Xức Dầu Của Kẻ Phung

Bịnh phung là một bịnh đáng sợ nhất ở vùng Palestin cổ. Căn bịnh kinh khiếp này tiêu hủy từ từ xương thịt của nạn nhân tuyệt vọng. Thậm chí những ngón tay, ngón chân và những phần khác của cơ thể cũng chết đi, thối rửa và rụng ra. Những kẻ phung xấu số bị xua đuổi khỏi cộng đồng của họ. Để phòng những người khác khỏi đến quá gần, những kẻ phung buộc phải la lớn lên bất cứ nơi nào họ đi đến rằng: “Ô UẾ, Ô UẾ”. Những nạn nhân của căn bịnh đáng sợ này chỉ có thể chờ đợi một cái chết đau đớn và chậm chạp. Bịnh phung là một bức tranh về tội lỗi, một bài học sống mà qua đó Thánh Linh vẽ lại cách chính xác về hậu quả khủng khiếp bởi sự hủy diệt của tội lỗi trên đời sống của một người. Bịnh phung cho thấy tội lỗi và bản chất thật của Satan. “Kẻ trộm (Satan) chỉ đến để cướp giết và huỷ diệt...” (Giăng 10:10). Satan và tội lỗi giống như bịnh phung, sẽ cướp cuộc đời chúng ta, thật ra là giết chúng ta, và hủy phá chức vụ của chúng ta.

a. Luật Về Sự Tinh Sạch

Có người thắc mắc rằng tại sao Môise lại đưa ra những luật hết sức tỉ mỉ về sự tinh sạch của một người phung và sự lành bịnh của anh ta. Sau khi luật này được đặt ra, không có trường hợp một người Ysơraên nào được chữa lành khỏi bịnh phung trong cả Cựu ước. Vậy thì tại sao Đức Chúa Trời lại dùng Môise lập nên những luật này?

Có thể lý do là Đức Chúa Trời muốn chúng ta học bài học “ẩn dấu” hay “thuộc linh” qua những luật này. Chúng ta hãy xem chi tiết trong Lê Vi Ký 14:1-57. Những luật được ban hành qua Môise tuyên bố một người phung được sạch và được chữa lành là một bức tranh Cựu ước về sự tẩy sạch khỏi tội lỗi qua Chúa Jêsus trong Tân ước. Đó cũng là những nhân tố trong kinh nghiệm cứu chuộc của chúng ta:

1) Có Sự Đổ Máu

Một con chim sẽ mang xa những gian ác xấu xa, sự đổ huyết và sự rảy huyết (làm hình bóng cho sự đổ huyết để gánh thay tội lỗi và hình phạt của chúng ta).

2) Sự Ăn Năn Và Sự Xưng Nhận

Làm hình bóng cho những gì chúng ta phải làm để được xưng công bình - hoặc được xưng công bình khi chúng ta được sinh lại.

3) Nước Chảy

Hình ảnh của báp tem bằng nước.

4) Được Xức Dầu

Sự xức dầu cho người phung tượng trưng cho công việc của Đức Thánh Linh trong kinh nghiệm cứu chuộc của chúng ta.

b. Luật Của Sự Tinh Sạch Được Áp Dụng Cho Đời Sống Của Chúng Ta

Vì vậy, khi tin nhận Chúa Jêsus, chúng ta phải:

1) Ăn Năn Tội

Ăn năn là từ bỏ tội lỗi và sự phản nghịch của chúng ta và quay trở lại cùng Đức Chúa Trời và vâng phục lời của Ngài.

2) Xưng Tội

Hãy xưng nhận tội lỗi của chúng ta với Đức Chúa Trời và tiếp nhận sự tha thứ của Ngài. Nếu chúng ta lấy lòng thật thà mà xưng tội, chúng ta sẽ được cứu (chữa lành) khỏi tội lỗi.

3) Chịu Báp Tem

Rồi thì chúng ta vâng lời Chúa Jêsus mà chịu báp tem bằng nước. 

4) Nhận Lãnh Sự Xức Dầu Của Đức Thánh Linh

Kinh nghiệm sự xức dầu của Đức Thánh Linh chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời (Rôma 8:16).

c. Nhận Lãnh Sự Xức Dầu

Xức dầu có nghĩa là đổ dầu lên hoặc sự cung hiến bằng dầu. Sau khi người bị bịnh phung đã được chữa lành và vâng theo các luật lệ về sự tinh sạch, người ấy sẽ trình diện cho các thầy tế lễ Lêvi và chịu sự xức dầu. Dầu là một biểu tượng của Đức Thánh Linh trong thời Cựu ước. Xức dầu cho một người làm hình bóng về việc Đức Thánh Linh sẽ ngự trên người đó với một mục đích đặc biệt. Người bị phung một khi đã mắc phải căn bịnh đáng sợ này và đã được chữa lành cũng như đã được tinh sạch khỏi những hậu quả gớm ghiếc của nó, sẽ chịu xức dầu để tỏ ra rằng người ấy đã được hoàn toàn phục hồi và được tham gia vào trong cộng đồng như một thành viên của dân Ysơraên. Tất cả mọi tội nhân đều kinh nghiệm được sự xức dầu của người phung khi họ được tái sanh bởi Thánh Linh. “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời...” (Giăng 3:5,6). Tất cả những ai tin Chúa Jêsus và đầu phục Ngài đều kinh nghiệm được sự xức dầu của Đức Thánh Linh. Rôma 8:9 chép rằng: “Nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ thì người ấy không thuộc về Ngài”. I Côrinhtô 12: 3 thêm: ”...Nếu không bởi Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng nhận Đức Chúa Jêsus là Chúa”.

Những câu Kinh Thánh trên xác định không ai có thể thật sự được tái sanh nếu không kinh nghiệm được công việc của Đức Thánh Linh. Có một sự xức dầu đầy đủ hơn khi chúng ta được Báp tem trong Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ học chi tiết hơn trong phần “Sự xức dầu của vua”. Sự xức dầu này khác biệt với công tác cứu rỗi ban đầu. Tuy nhiên cả hai đều liên quan đến công việc và chức vụ của Thánh Linh.

1) Ba Vùng Quan Trọng Trong Đời Sống Chúng Ta

“Thầy tế lễ sẽ lấy huyết của con sinh chuộc sự mắc lỗi bôi trên trái tai hữu của người được sạch, trên ngón cái tay mặt và trên ngón cái chơn mặt... “Dầu còn lại... thầy tế lễ sẽ lấy bôi trên trái tai hữu của người được sạch, trên ngón cái tay mặt và trên ngón cái chơn mặt -tức trên lớp huyết của lễ chuộc sự mắc lỗi. Dầu còn dư lại... thầy tế lễ sẽ đổ trên đầu người được sạch” (Lê Vi Ký 14:14-18). 

Hãy lưu ý rằng huyết và dầu được xức trên tai, tay và chơn. Điều này cho thấy rằng sự cứu rỗi của chúng ta và kinh nghiệm của sự xức dầu (Sự chữa lành khỏi căn bịnh phung tội lỗi) ảnh hưởng đến ba vùng quan trọng trong đời sống chúng ta:

a) Nghe 

Sự nghe của chúng ta đối với tiếng Chúa (Tai).

b) Phục vụ

Sự phục vụ Chúa của chúng ta (tay).

c) Bước đi

Chúng ta cùng bước đi với Ngài (chân).

Nếu chúng ta không nghe tiếng Chúa thì sự hầu việc Chúa của chúng ta không kết quả (xem chương 2). 

Nếu chúng ta không theo gương Chúa Jêsus trong sự phục vụ, chúng ta không thể bước đi với Ngài. Chúng ta cần có huyết để tẩy sạch việc lắng nghe, hầu việc Chúa và bước đi với Chúa của chúng ta. Chúng ta cần sự xức dầu của Thánh Linh để nghe, để phục vụ và bước đi như chúng ta đáng phải làm. Huyết của Chúa Jêsus và sự xức dầu của Thánh Linh đều cần thiết cho “sự cứu rỗi lớn” của chúng ta (Hêbơrơ 2:3).

2. Sự Xức Dầu Của Thầy Tế Lễ

Trong sách Xuất ê-díp-tô ký chương 29 và 30, và trong Lêviký chương 8 chúng ta học về sự phong chức thầy tế lễ cho Arôn và các con trai ông. a. Phong Chức Thầy Tế Lễ

Cũng như trong sự xức dầu cho kẻ phung, chúng ta học được phương cách và hình bóng của chương trình cứu rỗi trong việc biệt riêng (phong chức) chức vụ thầy tế lễ.

1) Dâng Một Con Chiên Không Tì Vít

Arôn và các con trai người bước vào nơi cửa hội mạc, đứng cạnh bàn thờ bằng đồng. Ở đây họ dùng huyết của một con chiên không tì vít dâng lên như một của lễ chuộc tội. Bởi điều này họ kinh nghiệm được sự tha thứ khỏi hình phạt của tội lỗi, là sự chết (Rôma 6:23). Điều này làm hình bóng cho sự sanh lại hoặc sự xưng công bình.

2) Được rửa bằng nước

Kế đó họ bước đến chiếc chậu bằng đồng và được tắm ở đó. Tại đây họ kinh nghiệm được sự giải phóng khỏi sự ô uế, thói quen và quyền lực của tội lỗi. Điều này làm hình bóng cho những gì xảy ra khi một người được báp tem bằng nước.

3) Trang phục của thầy tế lễ và sự xức dầu

Kế tiếp tại cửa hội mạc họ nhận lãnh trang phục thầy tế lễ của họ. Trong nghi lễ này cũng có cả “Sự xức dầu”. Xuất Êdíptôký 30:30 chép: “Ngươi cũng hãy xức dầu cho Arôn và các con trai người, biệt riêng họ ra thánh, để làm chức tế lễ trước mặt ta.”

b. Xức dầu cho sự nên thánh

Câu 29 giải thích: “Ấy vậy, ngươi sẽ biệt các vật nầy riêng ra thánh, hễ món chi đụng đến, đều sẽ được nên thánh.” Những câu Kinh Thánh này nói rõ ràng rằng phàm vật gì mà dầu này đụng phải, đều được nên thánh. Khi Môise đổ dầu nầy lên đầu của Arôn và các con trai người thì họ được nên thánh cho Đức Giê-hô-va. Đây là sự xức dầu cho sự nên thánh. Có nghĩa là biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời một đời sống ngay thẳng và hành động phải lẽ. Vì vậy, sự xức dầu cho thầy tế lễ dạy dỗ chúng ta về sự hứa nguyện sống đời sống công bình và thánh khiết sau khi đã được sanh lại. Từ lúc đó, tất cả các thầy tế lễ đều được xức dầu cho sự nên thánh theo cùng một cách ấy. Rất nhiều việc mà thầy tế lễ không được làm bởi vì sự thánh khiết của chức vụ. Do sự xức dầu này, nhiều vật có thể sẽ làm ô uế một thầy tế lễ nhưng không làm ô uế một người khác.

1) Được Biệt Riêng Cho Chúa

Nghi lễ này biệt riêng Arôn và các con trai ông là thầy tế lễ cho Chúa. Nếu sự xức dầu của người phung tượng trưng cho sự xưng công bình cho chúng ta, thì sự xức dầu của thầy tế lễ làm hình bóng về sự biệt riêng chúng ta ra cho công việc Chúa và nếp sống thánh khiết. Khải Huyền 1:6 chép: Chúa “làm cho chúng ta nên nước Ngài (vua ), nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời...”. I Phierơ 2:9 chép: “Anh em... là chức thầy tế lễ nhà vua...” Những người tin Chúa Jêsus đều được kêu gọi bước đi trước mặt Đức Chúa Trời như những thầy tế lễ thánh.

2) Thánh Khiết Và Quyền Năng

Bishop Synan nói rằng: “Khi chúng ta bắt đầu nói với Đức Chúa Trời về QUYỀN NĂNG, Ngài cũng bắt đầu nói với chúng ta về SỰ THÁNH KHIẾT”. Thật đúng như vậy. Chúng ta không chỉ được cứu khỏi hình phạt của tội lỗi, nhưng còn được cứu khỏi những sự ô uế, quyền lực và thói quen tội lỗi. “Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus (Đấng giải phóng ), vì chính Con Trai Ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Mathiơ 1:21). Một số người nói rằng: “Chúng ta được cứu trong tội lỗi”. Nhưng Kinh Thánh bảo rằng chúng ta được cứu khỏi tội lỗi. Chúng ta được cứu để KHÔNG PHẠM TỘI. Chúng ta được cứu không phải để tiếp tục phạm tội. “Kẻ nào phạm tội là thộc về ma quỉ” (I Giăng 3:8). Ô! Chúng ta cần được sự xức dầu của Thầy tế lễ để được thánh khiết biết bao! 

“Lạy Đức Chúa Trời chúng con cầu xin Ngài tuôn đổ dầu đó trên chúng con cách không chừng mực”. 

Nếu chúng ta muốn có quyền năng của Chúa làm việc qua chúng ta, chúng ta phải có sự thánh khiết của Ngài bộc lộ qua đời sống chúng ta.

3. Sự Xức Dầu Của Vua

Sự xức dầu thứ ba trong Cựu Ước là sự xức dầu cho vua. Sự xức dầu cho SauLơ, vua đầu tiên của dân Ysơraên được mô tả như sau: “Samuên lấy một ve nhỏ đựng dầu, đổ trên đầu SauLơ, hôn người, mà nói rằng: Nầy, Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ngươi đặng làm vua của cơ nghiệp Ngài” (I Samuên 10:1). Chúng ta cũng đọc thấy sự xức dầu thứ hai cho Đavít để ông làm vua thế cho SauLơ: “Vậy, Ysai gọi người, mặt người hồng hồng, con mắt xinh lịch và hình dung tốt đẹp. Đức Giê-hô-va phán cùng Samuên rằng: Ấy là nó, hãy đứng dậy xức dầu cho nó.” “Samuên lấy sừng dầu xức cho người ở giữa các anh em người. Từ đó về sau, thần của Đức Giê-hô-va cảm động Đavít” (I Samuên 16:12,13).

a. Ban quyền năng và uy quyền

Sự xức dầu của vua là ban quyền năng và uy quyền cho chức vụ vua. Với sự xức dầu này, Thần của Đức Chúa Trời ngự trên vua để ông có thể cai trị dân của Đức Chúa Trời, dân Ysơraên. Sự xức dầu của vua trong Tân ước được chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8 “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép...”. Phép Báp Tem trong Thánh Linh là sự xức dầu của vua trong Tân ước. “Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói.... Các sứ đồ lại lấy quyền phép rất lớn mà làm chứng về sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ... Bấy giờ, có nhiều phép lạ dấu kỳ được làm ra trong dân bởi tay các sứ đồ” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:4; 4:33; 5:12).

4. Ba Sự Xức Dầu Chỉ Về Ba sự xức dầu chúng ta thấy trong Cựu ước chỉ về: 

a. Sự xưng nghĩa: Chúng ta được tha thứ.

b. Sự nên thánh: Tấm lòng trong sạch.

c. Uy quyền và quyền năng. Đức Chúa Trời muốn chúng ta hưởng được kết quả của cả ba sự xức dầu trong đời sống cũng như trong chức vụ của chúng ta. Chúng ta hãy xem qua “Sự xức dầu tam diện” hay “sự xức dầu toàn diện” này.

B. NHỮNG GƯƠNG CỦA SỰ XỨC DẦU TAM DIỆN

1. Mênchixêđéc

“Ngươi là thầy tế lễ đời đời,... theo ban Mênchixêđéc” (Thi Thiên 110:4). Dưới Luật pháp Môise, thầy tế lễ phải là người trong chi phái LêVi. Nhưng khi Chúa Jêsus giáng sanh, Ngài được sanh ra từ giòng dõi của chi phái Giuđa, chi phái của những vị vua (Xem Sáng Thế Ký 49:8-10). Vậy thì Chúa Jêsus dùng quyền hạn gì (cũng như bạn và tôi) lại mang chức vụ thầy tế lễ? Ngài không phải là người của chi phái Lêvi. Sứ đồ PhaoLô đã giải thích vấn đề nan giải này trong thơ tín Hêbơrơ. Ông giải thích rằng chức vụ thầy tế lễ của Chúa Jêsus được căn cứ trên chức vụ thầy tế lễ của Mênchixêđéc (Xem Hêbơrơ 7). Mênchixêđéc là một trong những nhân vật bí ẩn nhất trong Kinh Thánh. Tên ông trong tiếng Hêbêrơ có nghĩa là “vua của sự công bình ”. Ông cũng là Vua của một thành phố gọi là SaLem (Sau này được đặt tên là thành phố của sự hòa bình). Vì vậy ông là vua của sự bình an và vua của sự công bình. Mênchixêđéc cũng là thầy tế lễ tối cao của Đức Chúa Trời, là người đã chúc phước cho Ápraham sau khi Ápraham đánh bại các vua. Ápraham đã dâng một phần mười những chiến lợi phẩm cho ông (Sáng Thế Ký 14:18-20). Mênchixêđéc giữ cả ba chức vụ tiên tri, thầy tế lễ và vua. Như vậy, ông là ví dụ điển hình của một vua sẽ đến, vua Jêsus. Điều gì đã làm cho Mênchixêđéc trở thành một thầy tế lễ tiên tri và vua? Đó là sự xức dầu mà ông đã nhận. Chính Đức Chúa Trời đã xức dầu cho ông. Đó cũng là phương cách mà Chúa Jêsus cũng như hết thảy những người được đầy dẫy Đức Thánh Linh hành động. Sự xức dầu của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta quyền của tiên tri, thầy tế lễ và vua.

2. Môise

Môise là một người khác được “sự xức dầu tam diện” này. Đức Chúa Trời đã dùng Môise để giải phóng dân sự Ngài ra khỏi Aicập. Qua Môise, Đức Chúa Trời ban luật pháp cho dân Ysơraên. Môise đã cai trị họ trong bốn mươi năm. Môise đã làm được những việc như vậy chỉ bởi vì ông đã nhận lãnh được sự xức dầu đặc biệt từ nơi Chúa. Ông đã được xức dầu cho chức vụ thầy tế lễ tiên tri và vua. Là một thầy tế lễ, Môise đã cầu thay cho dân Ysơraên và hướng dẫn họ đi trong sự công bình. Ông cũng cai trị họ như một vua. Ông đã nhận được sự xức dầu toàn diện. Ông là người đã giữ vai trò của một thầy tế lễ để ra mắt Chúa cũng như vai trò của một vị vua để cai trị dân Ysơraên. Thật thú vị là Môise không được ban danh hiệu là “thầy tế lễ” hoặc “vua”, nhưng ông đã thi hành chức vụ của cả hai.

3. Các Quan Xét

Các quan xét là những người nam hay những người nữ được “sự xức dầu tam diện” này. Tôi cần phải làm sáng tỏ quan niệm sai lầm về các quan xét. Họ là những “Người giải cứu” - Họ đã cứu đất nước ra khỏi những kẻ thù của họ. Họ là “những người giải phóng” - Họ đã giải phóng dân Ysơraên ra khỏi kẻ thù nghịch. Họ là “những quan xét” chỉ theo nghĩa là họ đem sự xét xử và những lời khuyên khôn ngoan đến cho đất nước. Họ không phải là những ông “quan tòa” ở trong những phòng xử án áp dụng những luật hiện hành. Sau khi Môise qua đời, Giôsuê và các quan xét (những người giải phóng) thay thế cho ông. Họ nhận được “sự xức dầu tam diện” để giải phóng dân Ysơraên và phục hồi mối tương giao của dân sự với Đức Chúa Trời. Họ cũng thi hành chức vụ của những thầy tế lễ, đem dân sự trở lại cùng Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời cùng dân sự. Họ cũng thi hành vai trò của các vị vua đứng lên lãnh đạo quân đội bẻ ách thống trị của quân thù. Họ lãnh đạo bằng sự công bình và luật pháp của Chúa. Họ cũng không được ban cho danh hiệu “Thầy tế lễ” hoặc “vua”, nhưng vẫn thi hành chức vụ của cả hai. Khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời giáng trên họ, lập tức họ thi hành những gì Đức Chúa Trời muốn họ làm để cứu dân sự.

4. Samuên

Samuên xuất hiện vào cuối danh sách những người nhận lãnh “sự xức dầu tam diện”. Trong khoảng một ngàn năm (từ Mênchixêđéc đến Samuên) Đức Chúa Trời đã ban sự xức dầu tam diện” cho những người sẽ mang chức vụ lãnh đạo trước tuyển dân của Ngài. Giống như Môise và các quan xét trước ông, Samuên được Đức Chúa Trời lập lên khi dân Ysơraên ở trong một nhu cầu đặc biệt. Cũng như các người trước Samuên không mang danh hiệu của thầy tế lễ, tiên tri hoặc vua. Tuy nhiên, chức vụ của một thầy tế lễ, tiên tri, và nhà vua hiển hiện trong đời sống ông. Trong khi dân Ysơraên cần được nghe tiếng Chúa, Samuên được xức dầu để nói tiên tri. Ông thi hành chức tế lễ và cầu thay cho dân sự bởi vì các thầy tế lễ trong chi phái Lêvi đã trở nên sa bại. Samuên cũng giữ vai trò lãnh đạo dân Ysơraên trong thời kỳ hết sức rối ren này. Cũng như Mênchixêđéc, Môise và các quan xét khác, Samuên đã thi hành chức vụ dưới sự xức dầu đầy trọn cho chức vụ nhà vua, thầy tế lễ và tiên tri. Đời sống của những người được xức dầu này là thánh khiết trước mặt Chúa, và chức vụ của họ đầy dẫy quyền năng. Thế nhưng, thời kỳ một ngàn năm cũng bắt đầu kết thúc. Ngọn gió của sự thay đổi đã thổi mạnh vào Ysơraên. Sự không thỏa lòng với đường lối của Đức Chúa Trời đang xói mòn tư tưởng của họ. Chẳng bao lâu người ta sẽ đòi hỏi một sự thay đổi mà sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sự xức dầu trên con người.

Chương 9b NHẬN LÃNH BA SỰ XỨC DẦU

C. SỰ XỨC DẦU PHÂN BIỆT

Hiệu quả là sự xức dầu phải được phân chia giữa những tước hiệu của con người là “vua” và những tước hiệu khác như “thầy tế lễ”. Những vị vua sẽ bị hủy diệt bởi sự xức dầu cho nhà vua bởi vì họ thiếu sự thánh khiết. Những thầy tế lễ người Lêvi nhận lấy sự xức dầu cho chức tế lễ của họ và lăng nhục chức vụ ấy, vì đã thiếu uy quyền và sức mạnh trong đời sống họ.

1. Dân Ysơraên Đòi Một Vị Vua

Một trong những chương đáng buồn nhất trong lịch sử Ysơraên đã bắt đầu khi dân Ysơraên đòi hỏi một người lãnh đạo mang tước vị: vua. Đức Chúa Trời đã dùng Samuên cảnh cáo dân Ysơraên rằng: “Nầy là cách của vua sẽ cai trị các ngươi. Người sẽ bắt con trai các ngươi đặng đánh xe mình, hoặc đặt vào quân kỵ đặng chạy trước xe của người... bắt chúng nó cày ruộng người, gặt mùa màng người..." “Người sẽ đánh thuế một phần mười về các bầy chiên các ngươi, và các ngươi sẽ làm tôi mọi người. Bấy giờ các ngươi sẽ kêu la vì cớ vua mà các ngươi đã chọn...” (I Samuên 8:10-18). Dân Ysơraên đã không nghe theo lời khuyên của tiên tri Samuên. Samuên đã già, nên lập các con trai ông là Giôên và Abigia làm quan xét cho dân Ysơraên.“Nhưng hai con trai người chẳng noi theo gương người, xiêu lòng tham nhận lấy của hối lộ và trái lệch sự công bình” (I Samuên 8:3). Kết quả là các trưởng lão trong Ysơraên than phiền về hành động của các con trai Samuên. Họ không thể tin rằng Đức Chúa Trời sẽ cung cấp một lãnh đạo khác mặc lấy sự “xức dầu tam diện”, vì thế họ đến cùng Samuên và nói rằng: “Kìa ông đã già yếu các con trai ông lại chẳng noi theo gương của ông. Bây giờ, xin hãy lập trên chúng tôi một vua đặng đoán xét chúng tôi, y như các dân tộc khác (I Samuên 8:5).

Lời yêu cầu này đã làm cho Samuên buồn rầu. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng buồn rầu hơn cả về đề nghị đó. Ngài phán cùng Samuên rằng: “Hãy nghe theo mọi lời dân sự nói cùng ngươi, ấy chẳng phải chúng nó từ chối ngươi đâu, bèn là tứ chối ta đó, hầu cho ta chẳng cai trị chúng nó nữa. Chúng nó đã lìa bỏ ta đặng hầu việc các thần khác. Hãy nghe theo tiếng chúng nó và ban cho chúng nó một vua” (I Samuên 8:7,22). Dân sự đã vui mừng vì họ đã thắng thế Đức Chúa Trời. Họ không biết rằng họ đang chọn cho mình một thảm họa. Mặc cho Samuên cảnh cáo họ, họ đã không thèm nghe và Đức Chúa Trời đã phó cho điều mà lòng họ ao ước. Đức Chúa Trời đã quyết định để cho họ chán chê theo đường lối của họ. Ngài phán với Samuên rằng “Hãy nghe theo tiếng chúng nó và ban cho chúng nó một vua”. Tôi thường nói rằng: “Đôi khi sự phán xét của Đức Chúa Trời là ban cho chúng ta điều mà chúng ta ao ước”. 

Hãy coi chừng, đó là sự thật!

a. Xức Dầu Chỉ Để Ban Quyền Năng

“Samuên lấy một ve nhỏ đựng dầu, đổ trên đầu SauLơ, hôn người, mà nói rằng: Nầy Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ngươi đặng làm vua của cơ nghiệp Ngài (I Samuên 10:1). Tại sao về sau SauLơ bị phế bỏ ngôi vua? 

Đó là vì ông đã mất kiên nhẫn không chờ đợi Samuên, phạm vào chức vụ thầy tế lễ và đã tự dâng của lễ là việc không dành cho ông (I Samuên 13:8-14). Khi Saulơ cố gắng thi hành chức vụ mà ông không được xức dầu, ông liền bị đoán xét và bị phế bỏ. Điều này chứng minh cho phần trên. Khi dân Ysơraên cầu xin một vua, sự xức dầu bị chia ra. Vua chỉ nhận được một sự xức dầu. Những người lãnh đạo của dân Ysơraên không còn nhận được cả hai sự xức dầu của thầy tế lễ-tiên tri và vua nữa. Họ chỉ được xức dầu để làm vua, vì vậy, họ không có sự vâng phục cũng như sự thánh khiết của thầy tế lễ. Ý muốn của Đức Chúa Trời không phải là dân Ysơraên phải có một vua “như những dân tộc khác”. Kiểu mẫu của Đức Chúa Trời cho người lãnh đạo là những người như Mênchixêđéc, Môise, Giôsuê, Các Quan Xét và Samuên.

Đức Chúa Trời thành tín lập nên những người lãnh đạo mà họ nhận được sự xức dầu toàn diện của Ngài để đoán xét dân sự trong cương vị của thầy tế lễ và vua. Nhưng dân Ysơraên đã chọn cho họ một vua “như những dân tộc khác”. Họ đã từ chối quyền cai trị của Đức Chúa Trời. Họ quay lưng lại với Đức Chúa Trời là Vua của họ. Và Đức Chúa Trời đã phó họ cho điều lòng họ ao ước. Một người cai trị thần quyền thật là một người nhận được sự xức dầu toàn diện của Đức Chúa Trời. Người ấy sẽ cai trị trong cương vị của cả một thầy tế lễ tiên tri và một vua. Nhưng sự lựa chọn của dân Ysơraên là một vua “như những dân tộc khác”, một người sẽ cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời chỉ với một sự xức dầu để nhận được quyền năng và uy quyền. Người đó sẽ thiếu sự thánh khiết và một bản chất nhân từ. Sự xức dầu bị chia ra nầy không phải là ý muốn cao cả nhất của Đức Chúa Trời cho dân sự của Ngài.

b. Thiếu Sự Thánh Khiết Dẫn Đến Thất Bại

Đức Chúa Trời biết rằng không ai có thể cai trị bởi sự xức dầu của vua mà không được sự cân bằng bởi sự xức dầu của thầy tế lễ để đạt được sự thánh khiết. Hầu hết các vua Ysơraên và GiuĐa đều thất bại trong chức vụ lãnh đạo của họ do đời sống thiếu sự thánh khiết. Chúa đã từ bỏ Saulơ bởi vì ông không vâng lời và phạm vào chức vụ mà ông không được xức dầu. Sự trị vì của Đavít đã suy yếu bởi ông đã phạm tội ngoại tình với BátsêBa. Salômôn rơi vào một kết cuộc bi thảm bởi vì sự bất khiết và sự thờ hình tượng. Ysơraên đã ly khai khỏi Giuđa và khoảng hai trăm năm sau khi họ đã bị bắt làm phu tù bởi vì những vị vua bất khiết của họ. Những vị vua đó nhận lãnh uy quyền của Đức Chúa Trời nhưng họ không đi trong đường lối thánh khiết của Ngài. Điều này mang lại sự phán xét kinh khiếp cho dân Ysơraên và họ bị tản lạc khắp đất. Như vậy, lịch sử của dân Ysơraên chấm dứt trong sự nhục nhã và chiến bại.

2. Những Thầy Tế Lễ Không Có Quyền Năng

Sau khi dân sự đòi một vua, họ bắt đầu kinh nghiệm một sự áp bức khác. Sự cai trị nhấn mạnh đến thánh khiết theo chủ nghĩa luật pháp mà không có quyền năng và uy quyền của Đức Chúa Trời đã thay thế cho sự lãnh đạo không chút ích kỷ, nhưng đầy tình thương và nhân từ như Samuên. Những người Pharisi trong thời Chúa Jêsus là sự nhân rộng cuối cùng của lỗi lầm này. “Những thầy tế lễ không có quyền năng” do nhận sự xức dầu phiến diện này đã không đứng trước Đức Chúa Trời để cầu xin cho dân sự như Môise đã làm. Khi Đức Chúa Trời nổi giận đòi tiêu diệt dân Ysơraên bởi vì tội lỗi và sự cứng lòng của họ, thì sự cầu thay của Môise đã cứu họ khỏi sự trừng phạt (Xuất Êdíptôký 32:30-35).

Thay vào đó giáo phái Pharisi với sự kiêu ngạo và chủ nghĩa luật pháp nghiêm nhặt của nó, đã bắt đầu đưa ra những đòi hỏi mà nó ảnh hưởng đến đời sống tôn giáo của dân tộc.

a. Những Đòi Hỏi Trong Luật Pháp

Những người Pharisi chỉ chú trọng đến văn tự của luật pháp. Họ đánh mất mục đích của luật pháp. Những đòi hỏi khắt khe của những luật lệ tôn giáo không theo Kinh Thánh này đã biến họ trở thành những con người không thương xót, thù hận và kiêu ngạo. Họ đã lạc mất sự thật rằng mọi người đều là tội nhân và cần sự thương xót của Đức Chúa Trời. Họ trừng phạt hay giết chết bất cứ người nào phạm những điều luật này. Họ biến thành những kẻ đạo đức giả không ai bằng trong lịch sử tôn giáo. Chúa Jêsus đã nghiêm khắc quở mắng “những thầy dạy luật này”. Họ tạo nên những điều luật mà họ không thể vâng giữ, nhưng lại trừng phạt những ai không vâng giữ nó. “Các thầy thông giáo và người Pharisi đều ngồi trên ngôi của Môise. Vậy hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi, nhưng đừng bắt chước việc làm của họ vì họ nói mà không làm... “Họ làm việc gì cũng cố để cho người ta thấy... ưa ngồi đầu đám tiệc, thích ngôi cao nhất trong nhà hội, muốn người ta chào mình giữa chợ, và ưng người ta gọi mình bằng thầy” (Mathiơ 23:2-7). Có người đã nói rất hay rằng: “khoảng cách giữa những gì chúng ta nói với những gì chúng ta làm chính là mức độ bội đạo của chúng ta”. Xin Chúa giúp đỡ chúng ta! Nhưng đó là sự thật.

b. Sự Kiêu Ngạo Thuộc Linh

“Sự thánh khiết bề ngoài” của những người Pharisi chính là sự kiêu ngạo thuộc linh của họ. Nhấn mạnh sự thánh khiết và kiến thức Kinh Thánh mà không có quyền năng Thánh Linh của Đức Chúa Trời trên đời sống bạn là một lỗi lầm trầm trọng. PhaoLô đã cảnh cáo chúng ta coi chừng những người lãnh đạo tôn giáo hoặc những giáo phái đang ở trong sự thất bại này: “Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang xấc xược... không tin kính, vô tình... bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó. Những kẻ thể ấy con hãy lánh xa đi” (II Timôthê 3:2-5). Sự thất bại của những vị vua có quyền phép của Đức Chúa Trời nhưng không có sự xức dầu của thầy tế lễ để có một đời sống thánh khiết đã đem sự phán xét đầu tiên của Đức Chúa Trời đến trên dân Ysơraên.

Những thầy tế lễ Pharisi mang sự xức dầu của thầy tế lễ nhưng thiếu quyền phép của Đức Chúa Trời. Do đó sản sinh ra một tôn giáo chỉ căn cứ vào sự thánh khiết bề ngoài mà không có sự thay đổi trong lòng. Họ đem sự phán xét cuối cùng đến trên dân Ysơraên. Cả hai đều không hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời trên đất này.

D. SỰ XỨC DẦU TAM DIỆN ĐƯỢC PHỤC HỒI

Dân sự của Đức Chúa Trời đã phải gánh chịu những sự đau khổ do những vị vua không công bình gây ra. Họ đã chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời bởi những lầm lỗi từ những người lãnh đạo của họ.

1. Lời Hứa Phục Hồi Của Đức Chúa Trời

Lời hứa của Đức Chúa Trời đã đem lại cho họ một nguồn hy vọng lớn: “Ta sẽ lập lại các quan xét của ngươi như ngày trước, các mưu sĩ của ngươi như lúc đầu. Rồi sau người ta sẽ xưng ngươi là thành công bình, là ấp trung nghĩa” (Êsai1:26). Đối với dân sự là những người trải qua hàng thế kỷ chỉ biết những người lãnh đạo không được sự xức dầu toàn diện, thì đây là một lời hứa đầy phước hạnh. Đức Chúa Trời hứa ban cho họ những người lãnh đạo có sự xức dầu giống như những quan xét ban đầu, những người như Môise, Giôsuê và Samuên. Điều này cũng được lặp lại trong sứ điệp của Êsai: “Nầy sẽ có một vua lấy nghĩa trị vì, các quan trưởng lấy lẽ công bình mà cai trị. Sẽ có một người như nơi núp gió và chỗ che bảo táp, như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn mỏi” (Êsai 32:1-2). Đặc tính của vị vua công bình này được tìm thấy khi chúng ta đọc những câu Kinh Thánh này: “Vì sẽ có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng lạ lùng, Đấng mưu luận, là Đức Chúa Trời quyền năng là Cha đời đời là Chúa bình an” (Êsai 9:5). Chúa Bình an này sẽ nhận được sự xức dầu của thầy tế lễ tiên tri và của vua. “Đức Giê-hô-va từ Siôn sẽ sai đến cây phủ việt về sự năng lực ngươi: Hãy cai trị giữa các thù nghịch ngươi... Đức Giê-hô-va đã thề, không hề đổi ý mà rằng: Ngươi là thầy tế lễ đời đời, theo ban Mênchixêđéc” (Thi Thiên 110:2,4). Đấng sẽ đến sẽ nhận được sự xức dầu đầy trọn của Đức Chúa Trời để làm vua và thầy tế lễ tiên tri. Ngài sẽ cầm “cây phủ việt về sự năng lực” và cai trị. Ngài sẽ là “thầy tế lễ đời đời theo ban Mênchixêđéc”, cai trị như một vị vua công bình. Bởi sự xức dầu vĩ đại đó mà Ngài được xưng là “Đấng được xức dầu” (tiếng Hêbêrơ là Mêsia; tiếng Hylạp là Christ).

2. Lời Hứa Của Đức Chúa Trời Được Ứng Nghiệm Trong Chúa Jêsus

Lời hứa lập lại sự xức dầu đầy trọn đã được ứng nghiệm trong Đức Chúa Jêsus Christ. “Ngài được lấy dầu vui mừng xức cho, khiến Chúa trổi hơn kẻ đồng loại mình” (Hêbơrơ 1:9b).

Chúa Jêsus là “thầy tế lễ thượng phẩm” của chúng ta (Hêbơrơ 3:1), và là “Chúa của các chúa, Vua của các vua” (Khải Huyền 17:14). Chỉ một mình Ngài được trao cho “Hết thảy quyền phép ở trên trời và dưới đất” (Mathiơ 28:18). Chính Ngài là Đấng “làm nên sự khôn ngoan, sự công bình sự nên thánh và sự cứu chuộc cho chúng ta” (I Côrinhtô 1:30). “Ấy khác nào dầu quý giá đổ ra trên đầu chảy xuống râu, tức râu của Arôn chảy đến trôn áo người” (Thi Thiên 133:2). Bằng một sự minh họa tuyệt vời, sự thật được mô tả qua những câu Kinh Thánh trên. Thầy tế lễ được xức dầu từ đầu cho đến chơn.

a. Chúng Ta Sẽ Nhận Được Sự Xức Dầu Của Ngài

Chúng ta biết rằng chúng ta là chi thể trong thân thể của Đấng Christ (I Côrinhtô 12:27). Chúng ta cũng biết rằng Chúa Jêsus là đầu và là thầy tế lễ thượng phẩm (Êphêsô 1:22; Hêbơrơ 3:1). Do đó, “Sự xức dầu tam diện” được đổ xuống trên Ngài sẽ chảy xuống chúng ta, là chi thể trong thân Ngài. Chúng ta có thể cùng tham dự với Ngài trong sự xức dầu. Đức Chúa Trời muốn mỗi chúng ta được xức dầu giống như Chúa Jêsus đã được xức dầu. Là những người lãnh đạo Hội Thánh chúng ta phải nhận được sự xức dầu của Ngài để sống công bình thánh khiết, để chữa lành kẻ đau, đuổi quỉ, giảng phúc âm của nước Đức Chúa Trời cho đến đầu cùng đất. Nói tóm lại là nhận được sự xức dầu quyền phép. I Phierơ 2:9 chép, chúng ta là “dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua” “làm cho chúng ta nên nước Ngài (vua ), nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời” (Khải Huyền 1:6; 5:10).

3. Những Bước Để Nhận Lãnh Sự Xức Dầu Tam Diện a. Được sanh lại

Nếu bạn chưa được sanh lại hãy theo những bước trong phần đầu của chương này. Sau đó đọc phần “tình trạng chưa được tái sanh” của Chương Hai. Hãy làm theo những sự hướng dẫn và bạn sẽ nhận được “sự xức dầu của kẻ phung”, sự xức dầu đầu tiên trong ba sự xức dầu.

b. Chịu BápTem Bằng Nước

Nếu bạn chưa chịu báp tem bằng nước, hãy thực hiện bước này. Khi chúng ta nhận phép báp tem, hãy nhận thức rằng Đức Chúa Trời muốn làm một việc siêu nhiên trong lòng chúng ta. Hãy xem như những tội lỗi và những tội vấn vương đã tan biến khi bạn bị chôn với Ngài bởi phép BápTem...” (Rôma 6:4). “Vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa” (Rôma 6:6,7). Bởi sự Báp-tem bằng nước theo Kinh Thánh, bạn có thể nhận được “sự xức dầu của thầy tế lễ” để sống đời tự do thoát khỏi sự cai trị của tội lỗi. Hãy xem như điều đó đã xảy ra khi bạn được dìm xuống nước trong việc Báptem.

c. Được Báptem bằng Đức Thánh Linh

“Sự xức dầu của Vua” cho bạn để nhận lãnh quyền phép sẽ đến từ Chúa Jêsus. Thánh Giăng nói rằng: “Về phần các con, sự xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn trong mình...” (I Giăng 2:27). Dầu đó đã chảy từ trên đầu là Chúa Jêsus xuống thân thể là chúng ta. Giăng Báptít đã nói về Chúa Jêsus rằng: “Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép Báp-tem cho các ngươi... Nhưng Đấng đến sau ta... sẽ làm phép Báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa” (Mathiơ 3:11). Giăng ngụ ý rằng Chúa Jêsus sẽ làm phép Báp-tem như cách ông đã làm, nhưng thay vì bằng nước, Ngài sẽ làm phép Báp-tem bằng Đức Thánh Linh.

1) Khao Khát Sự Báp-tem Bằng Đức Thánh Linh

Giăng đã làm phép báp-tem như thế nào? Những người muốn làm phép báp-tem đến cùng Giăng, khao khát ông làm phép Báp-tem cho họ bằng nước. Bạn cũng phải đến cùng Chúa Jêsus, khao khát phép Báp-tem bằng Đức Thánh Linh.

2) Hãy để Chúa Jêsus làm Báp-tem cho bạn

Dân chúng đã để cho Giăng làm Báp-tem cho họ, họ không thử tự mình làm lấy. Cũng vậy, bạn phải để Chúa làm phép Báp-tem trong Đức Thánh Linh cho bạn. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần: “Thình lình có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:2). Chúa Jêsus đã làm phép Báp-tem cho họ khi họ đang ngồi, Họ không đang ở trong những trạng thái xúc động tôn giáo điên cuồng, cố gắng làm báp tem cho chính họ.

3) Được dìm trong Đức Thánh Linh

Giăng Báp-tít đã dìm họ xuống nước sông Giô-Đanh. Chúa Jêsus sẽ làm phép Báp-tem cho bạn trong Đức Thánh Linh. Ngài sẽ dìm bạn trong dòng nước thuộc linh là Đức Thánh Linh. Như trong ngày lễ Ngũ tuần, bạn hãy lớn tiếng cầu nguyện, ca ngợi Chúa Jêsus và tiếp nhận Đức Thánh Linh trong danh của Ngài. Khi bạn cảm thấy Đức Thánh Linh đang đầy dẫy bạn, hãy để Ngài hành động qua môi miệng bạn bằng ngôn ngữ thiên đàng, cầu nguyện và tôn vinh Cha thiên thượng của bạn.

Khi Đức Thánh Linh ban cho bạn những lời nào đó, hãy dùng đức tin nói với Đức Chúa Trời. Bạn sẽ không hiểu được những lời đó nhưng Cha thiên thượng của bạn sẽ hiểu. “Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:4). Bạn cũng hãy làm như vậy. Trong phép Báp-tem này, bạn đã bắt đầu nhận được “sự xức dầu của vua”. Và rồi khi bạn cứ tiếp tục bước đi với Chúa Jêsus, bạn sẽ nhận được những sự xức dầu khác của Đức Thánh linh, HALÊLUGIA.

E. KẾT LUẬN

Qua phần này chúng ta học được rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta trông cậy và lắng nghe tiếng Ngài. Chúng ta học được rằng sự khổ nạn là sự huấn luyện của Đức Chúa Trời cho chúng ta. Chúng ta cũng học cách tránh xa những cạm bẫy của sự kiêu ngạo, tội tà dâm và lòng ham mê tiền bạc. Chúng ta cũng nhận thức được rằng tất cả những người được Chúa kêu gọi đều phải chịu những thử thách và huấn luyện của Đức Thánh Linh. Khi trách nhiệm của bạn càng lớn thì trách nhiệm của bạn càng nặng nề hơn.

1. Chúng Ta Cần Được Sự Xức Dầu Đầy Trọn

Nếu chúng ta học được hết thảy những điều trên, nhưng không có sự xức dầu đầy trọn của Đức Chúa Trời, tất cả chỉ là con số không mà thôi. Nếu không có sự xức dầu của Đức Thánh Linh trên chức vụ của chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ gặt hái được kết quả trong việc truyền giáo, giảng đạo, dạy dỗ, đuổi quỉ, chữa bịnh hay làm “những việc cao trọng” như Chúa đã hứa cho những người lãnh đạo. Tất cả những gì chúng ta làm chỉ là kết quả của những cố gắng xác thịt và không còn lại trong ngày phán xét. Điều quan trọng nhất đối với người lãnh đạo Hội Thánh là phải bước đi trong sự thánh khiết và phụ thuộc vào quyền phép của Đức Thánh Linh. Quyền phép của Đức Thánh Linh chỉ có thể tìm thấy trong những đời sống thánh khiết và tất cả những ai bước đi trong sự thánh khiết mới nhận được quyền năng của Đức Chúa Trời trên đời sống họ. Chúng ta phải kinh nghiệm cả hai điều. Chỉ nhấn mạnh trên sự thánh khiết mà bỏ qua quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ biến chúng ta thành những con người khô khan và cứng ngắc. Mặt khác, nếu chúng ta chỉ cầu xin quyền phép của Đức Chúa Trời mà bỏ qua sự thánh khiết thì điều này sẽ đưa chúng ta đến chỗ bị hủy diệt bởi sự xức dầu mà chúng ta đang nhận (Xem Mathiơ 7:21-23).

2. Chúng Ta Phải Duy Trì Sự Xức Dầu Đầy Trọn

Sứ Đồ Giăng viết rằng: “Về phần các con, sự xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn ở trong mình (trong các con )... Sự xức dầu của Ngài dạy các con đủ mọi việc, mà sự ấy là thật,... thì hãy ở trong Ngài, theo như sự dạy dỗ mà các con đã nhận. “Vậy bây giờ hỡi con cái bé mọn ta, hãy ở trong Ngài, hầu cho nếu Ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy dẫy sự vững lòng, không bị hổ thẹn và quăng xa khỏi Ngài trong kỳ Ngài ngự đến” (I Giăng 2:27,28). Từ ngữ “ở” dường như là chữ chìa khóa trong chương này, “Hãy cứ ở trong ta thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được.” “Ta là gốc nho các ngươi là nhánh, ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong ta, thì phải ném ra ngoài cũng như nhánh nho; nhánh khô đi người ta lượm lấy quăng vào lửa thì nó cháy." “Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn thì sẽ được điều đó” (Giăng 15:4-7).

a. Ở Trong Chúa Jêsus

Làm thế nào để chúng ta lãnh đạo cách tốt nhất trong sự xức dầu đầy trọn? Ở có nghĩa là: “Duy trì, tiếp tục, cư ngụ, sống.” Phao lô đã viết về điều này rằng: “Anh em đã nhận Đức Chúa Jêsus Christ thể nào, thì hãy bước đi trong Ngài thể ấy... Hãy châm rễ và lập nền trong Ngài... lấy đức tin làm cho bền vững... và hãy dư dật trong sự cảm tạ” (Côlôse 2:6-7). Tự lập và tự túc là những đức tính của người trưởng thành. Nhưng chúng có thể có hại cho mối tương giao thuộc linh của chúng ta với Chúa Jêsus. 

Ngài phán rằng “Hãy cứ ở trong ta! Phụ thuộc vào ta! ”

Nhánh nho dính vào gốc nho để hút lấy nhựa sống mà gốc nho cung cấp cho nó. Nó đậu trái hay không là phụ thuộc vào sự liên lạc này. Cũng vậy, chúng ta phải ở trong và duy trì mối liên hệ mật thiết của chúng ta với Chúa Jêsus. Nếu chúng ta làm như vậy, thì sự sống của Ngài, sự xức dầu của Ngài cũng sẽ tuôn chảy vào đời sống của chúng ta. Chúng ta hãy bắt chước Mari, người đã ngồi nơi chơn Chúa Jêsus và nghe lời Ngài (Luca 10:38-42). Và rồi chúng ta sẽ phục vụ Đức Chúa Trời bằng sự xức dầu của Vua và thầy tế lễ của Chúa Jêsus. Sự thờ phượng và ca ngợi sẽ thành chính hơi thở của chúng ta. Chúng ta sẽ được trang bị bằng quyền phép và các ân tứ của Ngài để đem những người khác đến sự tự do thật.

Thật khốn nạn cho những người nào được sự xức dầu của Đức Chúa Trời rồi dùng nó cho các mục đích riêng của mình. Đừng bao giờ làm như vậy, hãy luôn là “Người làm đẹp lòng Chúa Jêsus”.

 

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 130 Quốc Gia

We have 2571 guests and no members online

Your Language